Cập nhật:  GMT+7

Mỹ tục “Yến lão” ở Hùng Lô

Hùng Lô là một làng cổ có rất nhiều di tích gắn liền với thời đại Hùng Vương dựng nước. Đây là một làng ven sông Lô có tên cũ là Khả Lãm Trang, sau đổi thành An Lão thôn, rồi kẻ Xốm và Hùng Lô như ngày nay. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các thế hệ người dân đã đoàn kết, cùng nhau khai phá đồng hoang, bãi rậm, tạo dựng xóm làng, hình thành và lưu giữ những nét đẹp văn hóa cho muôn đời sau.

Mỹ tục “Yến lão” ở Hùng Lô

Một góc Đình Hùng Lô ngày nay.

Quần thể di tích lịch sử văn hóa đình Hùng Lô gồm nhiều hạng mục công trình như: Tòa Đại bái, Phương Đình, Lầu Chuông, Lầu Trống, nhà Tiền tế, nhà Yến lão... Tất cả đều được xây dựng bằng những loại gỗ quý như đinh, lim, sến, táu... Tòa Đại đình được cấu trúc theo kiến trúc truyền thống ba gian, hai chái; cả ba gian đều có ban thờ. Tòa Tiền tế được xây theo cấu trúc năm gian, hai chái. Hai bên đình là nhà thờ Phật và bệ thờ Thần Nông. Khu Văn chỉ thờ Khổng Tử, cũng là nơi ghi danh truyền thống hiếu học của nhân dân Hùng Lô. Nhà Yến Lão là nơi các bậc cao niên dự tiệc làng khao thọ. Khu sân đình thoáng rộng được bài trí hòn non bộ, chậu cảnh, cây si, cây đa rủ bóng...

Ngày xưa tuổi thọ trung bình không cao, nên khi vượt qua mốc hạn “49, 53”, sống đến 55 tuổi đã được xếp vào “Lão hạng”. “Phúc, lộc, thọ” còn gọi là “Tam đa”, là ba điều ai cũng ước muốn, được càng nhiều càng tốt. Để tỏ lòng “Kính lão đắc thọ”, trong những ngày hội hè, tế lễ lớn, bên cạnh chiếu tế, ở phần giữa của đình làng thường được trải chiếu hoa cạp điều trang trọng, dành để mời các cụ cao tuổi ngồi; ở đây các cụ cũng được gọi là quan “quan lão”. Các “quan lão” cũng được xếp thứ tự từ cao đến thấp theo thứ tự độ tuổi, ngồi theo “chiếu trên chiếu dưới”, nghĩa là người cao lão ngồi chiếu trên, người ít tuổi hơn ngồi chiếu dưới.

Người Việt Nam rất trọng đạo hiếu, có truyền thống tri ân công đức tổ tiên. 60 tuổi được xem như mốc thời gian kết thúc một vòng đời theo cách tính tử vi 12 con giáp. Qua năm 61 tuổi, được coi là qua một Hội, thì sự vận hành thời gian trở lại như khi ta mới ra đời (chu kì 2). 70 tuổi trở lên đã là người “xưa nay hiếm”. Vào dịp tế lễ lớn tại đình, dân làng tổ chức tiệc hậu để mời các cụ ông từ 60 tuổi trở lên (tính theo tuổi tròn chục 60, 70, 80, 90, 100...) tới dự. Bữa tiệc này gọi là Yến lão. Ðây là một phong tục đẹp, thể hiện tính nhân văn, uống nước nhớ nguồn của người Việt. Yến là tiệc rượu. Lão chỉ những người quá lục tuần (60 tuổi). Yến lão được hiểu như là tiệc mừng thọ tập thể các cụ. Có thể nói đây là một thịnh điển thời thái bình, thực sự dân chủ, bình đẳng, không phải là một hủ tục. “Sống lâu lên lão làng”, tự nhiên có vinh dự tuổi thọ “trời cho”, không phải tranh dành mới có, chẳng phải có tiền mà mua được, có quyền thế chức vị mà tạo nên được. Các cụ được bình đẳng không chia thứ bậc, địa vị xã hội, ngôi thứ trong làng.

Sách “Đại Nam thực lục chính biên” tập XXXIII, đệ tứ kỷ VII, trang 341, Nhà xuất bản KHXH - Hà Nội (1973) chép: “Năm Tự Đức thứ sáu (1853), nhà vua nói rằng những người thọ 80 tuổi là rất quý, cần được hưởng tiệc“ngũ đậu “để tỏ lòng quý trọng”. (Tiệc ”ngũ đậu” gồm năm bát bằng gỗ, có nắp, có đế, dùng đựng năm loại thực phẩm quý, ngon, bổ dưỡng).

Năm Tự Đức thứ 20 (1867), Vua ban chỉ dụ quy định về chúc thọ người 100 tuổi: “Nếu thọ 100 tuổi mà năm đời còn sống thì sẽ được ban: Từ 80 đến 100 lạng bạc (tùy theo địa vị xã hội); Vải sa Nam, sa Tàu 2 tấm mỗi thứ; Vải trừu Nam, lụa 2 tấm mỗi thứ; Một tấm biển sơn son thiếp vàng, trên khắc hai chữ lớn “Thọ Quan”, dưới đề tên, năm sinh, chức vụ (nếu có), quê quán; Trường hợp đặc cách có thể tặng nhà ở”. Cũng cùng thời gian này Vua còn ban một sắc lệnh huy động những trai đinh trong độ tuổi 18 đến 55 phải đi lao dịch. Vì vậy “Yến lão” sẽ chỉ được thực hiện với nam giới ở tuổi 60 trở lên. Những người đang phải chịu tang ông bà nội ngoại, bố mẹ, chú bác, anh chị em ruột đều không được mời dự tiệc “Yến lão”.

Phong tục này ở làng Hùng Lô dưới thời phong kiến được tổ chức trong ngày hội chính tại đình làng. Ngày Yến lão được định trước, có thông báo rộng rãi đến các cụ và gia đình để có sự chuẩn bị. Đến ngày, dân làng mang cờ quạt, chiêng trống rước các cụ dạo quanh làng rồi trở về đình. Đám rước này gọi là đám rước “Quan lão”. Các “Quan lão” đều mặc áo màu đỏ, triện gấm tượng trưng cho sự vui mừng, sung mãn, thành công. Không mặc áo màu vàng, thêu rồng vì phạm húy Vua. Các cụ được trai tráng, dân làng hộ tống ra đình bằng kiệu hoặc võng, có con cháu theo sau “hậu ủng”. Các cụ đi theo thứ tự, lớn tuổi đi trước, nhỏ hơn kế tiếp. Gia chủ phối hợp với dân làng sắm đủ võng, lọng rước lão. Lão 100 tuổi đi võng điều, che bốn lọng xanh; lão 90 tuổi đi võng điều, che hai lọng xanh; lão 80 tuổi đi võng xanh (đòn cong), che một lọng xanh; lão 70 tuổi đi võng xanh (đòn ống), che một lọng xanh; lão 60 tuổi đi xe kéo tay, che một lọng xanh. Trai tráng cầm cờ, khiêng võng, kéo xe, che lọng đều nón dấu áo nẹp. Dân làng, con cháu mặc trang phục đẹp, nhiều màu sắc, mang lễ vật như hoa quả, hương đăng, đồ lễ mặn, trước cúng Thần Thành hoàng làng, tạ ơn trời đất, sau thết đãi các cụ. Các mâm cỗ sau khi dâng lễ sẽ do Ban khánh tiết (Ban tổ chức) quản lý và phân phát.

Tại nhà Yến lão, nơi giữa thiết lập bàn thờ Tiên lão. Tế lão cũng đủ nghi thức như tế thần, ba tuần rượu với văn tế tiên lão, văn chúc thọ “quan lão”, có ban tư văn hành lễ, phường bát âm tấu nhạc. Khi tế xong, lão ông là bậc cao niên nhất ngồi một mình ở chiếu giữa, ngồi lệch bên, không quay lưng vào bàn thờ (nếu có từ 2 cụ trở lên cùng tuổi cao lão thì sẽ mời cụ nào có “Ngũ đại đồng đường” hoặc người có chức quan cao hơn khi còn đương chức ngồi chiếu giữa); tiếp dưới chiếu nhất là chiếu nhì, 2 cụ một chiếu; các “quan lão” khác ngồi hai gian bên, 4 cụ một chiếu theo trật tự thứ bậc tuổi do Ban khánh tiết sắp xếp. Dân làng, con cháu các cụ ngồi dưới sân. Lúc đọc văn chúc thọ, các “quan lão” ngồi trước những mâm cỗ đặt giữa chiếu, chỉ nhấp rượu suông không ăn, là tỏ ý trang nhã, trịnh trọng cảm ơn dân làng đã làm cỗ hậu lại ngồi chứng kiến cuộc lễ và chăm chú nghe văn chúc thọ.

Cỗ “Yến lão” thường là rất thịnh hậu cả về phẩm lẫn lượng. Một mâm cỗ truyền thống bao giờ cũng phải có cỗ mặn và cỗ nước. Cỗ mặn có đầy đủ 4 bát, 8 đĩa; 4 bát có: 1 bát chân giò ninh, 1 bát mọc lợn nạc nấu miến, 1 bát thịt đông, 1 bát mọc gà; 8 đĩa thì có: 2 đĩa giò (1 giò lụa, 1giò thủ hoặc giò chân), 1 đĩa chả nạc, 1 đĩa nem, 1 đĩa thịt gà luộc, 1 đĩa mọc hấp, 1 đĩa gỏi cá Chép và 1 đĩa cá chép rán. Cỗ nước gồm 4 bát chè, 1 đĩa xôi vò và 5 loại bánh: Bánh chưng, bánh giầy, bánh gai, bánh mật, bánh rán. Sau lễ những mâm cỗ sẽ được mang đến từng nhà biếu các cụ. Chiếu nhất, một cụ ngồi thì được biếu cả một cỗ gọi là cỗ một; chiếu nhì, hai cụ ngồi là cỗ đôi thì được biếu mỗi cụ một nửa cỗ; những cỗ dưới là đồng hạng cứ bốn cụ một cỗ.

Phong tục là thói quen sinh hoạt và cách sống lâu ngày đã ăn sâu vào đời sống xã hội hay toàn bộ hoạt động sống của con người hình thành trong tiến trình lịch sử, có tính ổn định, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được cộng đồng thừa nhận và tuân theo một cách tự giác. Mỹ tục “Yến lão” là do đạo hiếu mà ra, một đặc sản văn hóa dân tộc, có ý nghĩa rất trọng hậu. Khi tuổi già, với cuộc sống nơi thôn dã, các cụ hẳn cũng cảm thấy vui sướng vì đã được cả làng tỏ tình quý trọng; con cháu các cụ thì được hãnh diện là gia đình có phúc mới có được tuổi thọ. “Kính lão” là truyền thống và bản sắc văn hóa giàu tính nhân văn, thể hiện thuần phong mỹ tục được truyền đời của người Việt. Truyền thống đó góp phần giữ gìn nền tảng văn hóa gia đình, tạo nên những giá trị nguồn cội để người Việt ngày nay hội nhập nhưng không hòa tan; góp phần phát huy các giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Phạm Bá Khiêm


Phạm Bá Khiêm

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Đi tìm “linh vật” trong truyền thuyết

Đi tìm “linh vật” trong truyền thuyết
2024-05-07 12:40:00

baophutho.vn Tưởng rằng “Voi chín ngà, gà chín cựa” là câu chuyện chỉ có trong truyền thuyết nhưng tại huyện miền núi Tân Sơn, hơn 10 năm qua, chàng trai xứ...

Nếp Gà Gáy - đặc sản miền Đất Tổ

Nếp Gà Gáy - đặc sản miền Đất Tổ
2023-08-29 10:01:00

baophutho.vn Phú Thọ - vùng đất cội nguồn của dân tộc nổi tiếng với nhiều đặc sản trong đó có lúa nếp Gà Gáy. Tại xã Mỹ Lung, xứ Mường huyện Yên Lập, lúa...

Lăng Sương - Nơi đất thiêng sinh thánh

Lăng Sương - Nơi đất thiêng sinh thánh
2023-08-26 11:13:00

baophutho.vn Dải đất Thanh Thủy uốn quanh theo dòng sông Đà, đối diện là dãy Ba Vì tạo thế “tựa sơn đạp thủy” với nhiều tiềm năng lợi thế về thiên nhiên,...

Mùa nhãn chín

Mùa nhãn chín
2023-08-17 10:48:00

Thời điểm này, nhiều vườn nhãn ở xã Kim Đức đang vào độ chín rộ càng làm tăng vẻ đẹp trù phú của xã vùng ven TP Việt Trì. Theo chia sẻ của các chủ vườn, nhờ thực hiện ghép cải...

Linh thiêng Đền Mẫu Âu Cơ

Linh thiêng Đền Mẫu Âu Cơ
2023-08-13 07:04:00

baophutho.vn Đền Mẫu Âu Cơ xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ là nơi thờ Tổ Mẫu Âu Cơ. Từ lâu, trong tâm thức của muôn dân đất Việt, Đền Mẫu Âu Cơ...

Nhà lang của người Mường

Nhà lang của người Mường
2023-07-17 10:08:00

baophutho.vn Dòng chảy đô thị hóa len lỏi vào những xóm làng của người Mường, huyện Tân Sơn, đẩy những nếp nhà sàn lùi xa vào dĩ vãng và trí nhớ của người...

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long